Những điều cần biết về học đệm hát
Chắc hẳn sẽ có nhiều bạn muốn học chơi nhạc cụ để tự tay đệm đàn và hát những ca khúc mà mình yêu thích. Nhưng các bạn đã biết những điều cơ bản về đệm hát chưa? Làm sao để dễ học, làm sao để hiểu, để luyện tập dễ dàng và đúng hướng? Trong bài viết ngắn này, thầy giáo Nguyễn Ngọc Thuấn, giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao tại Trung tâm Nghệ thuật CEG sẽ chia sẻ một số vấn đề cơ bản để các bạn sẵn sàng học đệm hát một cách hiệu quả nhé!
Cần chuẩn bị điều gì để học đệm hát?
Trước hết, chắc chắn bạn phải chuẩn bị cho mình một nhạc cụ, và thông thường thì đó là piano, guitar hoặc organ, các nhạc cụ khác thường gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đệm hát. Hãy học chơi nhạc cụ mà bạn chọn với những điều cơ bản. Người học đệm hát phải có cách tập để hướng tới học đệm chứ không nhất thiết phải học thật nhiều tác phẩm rồi mới học đệm.
Bạn cần học chơi một số kỹ thuật, luyện tập những tiết tấu cơ bản tối thiểu (nốt tròn, trắng, đen, đơn, kép, chùm 3, đơn chấm kép…), những thang âm (scale), hợp âm (chord), quãng (interval),... Và hãy lưu ý một điều rất quan trọng trong việc học đệm đó là luôn tập với máy đập nhịp (metronome) ngay từ buổi học đầu tiên, bởi sự vững chắc về nhịp là một yếu tố đầu tiên quyết định phần đệm hát của bạn có thành công hay không. Hãy tập với máy đập nhịp với tốc độ tăng dần, từ chậm tới nhanh.
Thứ hai, hãy học hỏi về lý thuyết hòa thanh. Bạn có thể dễ dàng tìm đọc lý thuyết cơ bản về hòa thanh. Đầu tiên, hãy nắm vững cách thành lập scale (trưởng, thứ) và chord (trưởng, thứ, tăng, giảm,...), đây là hai phần rất quan trọng để bạn hướng tới học lý thuyết hòa thanh (harmony). Sau khi đã hiểu về scale và chord, ta sẽ bắt đầu sắp xếp tiếp nối các hợp âm cơ bản trong scale đó, ví dụ như: C – F, C- G, Dm – G7 -C,… Hãy tìm hiểu các tài liệu về hòa thanh để để nối tiếp này hài hoà về các âm với nhau.
Phần chuẩn bị cuối cùng, và cũng không kém phần quan trọng, đó là hãy dành thời gian học hỏi, luyện tập với một tinh thần thoải mái, vui vẻ, quyết tâm và kiên trì!

Thầy Nguyễn Ngọc Thuấn, chia sẻ về phương pháp học đệm hát.
Phương pháp học như thế nào là hiệu quả?
Sau quá trình học tập lâu năm tại nhạc viện và trải nghiệm của bản thân, thầy Nguyễn Ngọc Thuấn, giáo viên tại CEG đã học hỏi rất nhiều kiến thức cũng như cách thức tập luyện khác nhau, và đúc kết lại thành phương pháp học đệm hát của riêng mình để chia sẻ với các bạn đang học và đang có ý định học.
Đầu tiên, chúng ta cần tập đàn cùng với máy đập nhịp (metronome) những thang âm, hợp âm, tiết tấu cơ bản. Như đã nói ở trên, hãy luyện tập với tốc độ tăng dần, không nên vội vàng, sẽ dễ bị rối và không chắc chắn.
Để chơi được đa dạng các thể loại với nhiều tiết tấu khác nhau thì chúng ta nên hiểu rõ một số âm hình tiết tấu cơ bản của từng thể loại. Ví dụ như cổ điển, bạn nên chọn một số đoạn nhạc, tiểu phẩm, tác phẩm có phần đệm tiêu biểu, quen thuộc, gần gũi để tập luyện, rồi từ đó phân tích phần đệm đó ở các mặt tiết tấu, hòa thanh, phong cách,... “Serenade” của Schubert hay “Mặt trời của tôi” (Dân ca Ý) đều là những tác phẩm có phần đệm rất hay. Nếu là Pop, hãy thử sức với “Yesterday”, “Nothing gonna change my love for you” hay “Love you more” cùng với rất nhiều ca khúc khác có phần đệm mẫu mực, rất phù hợp để luyện tập. Nhắc đến Jazz, bạn hãy tìm các mẩu nhỏ về swing hay blue để hiểu và học chơi chúng.
Tiếp theo, sau khi tập các scale (thang âm trưởng, thang âm thứ), chúng ta sẽ bắt đầu tập nối các hợp âm (chord) cơ bản trong thang âm đó, gọi là hòa âm trên đàn.
Cũng đừng quên tìm hiểu, lắng nghe và học hỏi từ các tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc của thế giới, đó là những tác phẩm đã được chuyển soạn rất kỹ về hòa thanh, tiết tấu đệm, phong cách, tempo,... cùng với đó là cách sắp xếp các phần đệm, câu nối, kết câu,... “Đó đều là những bài học cho thầy vốn kiến thức sâu rộng và chắc chắn về học đệm đàn.”, thầy Nguyễn Ngọc Thuấn chia sẻ.
Phần lớn các nhạc sĩ ở Việt Nam khi viết ca khúc thường không có hòa thanh và phần đệm đi kèm, dẫn đến việc khi chúng ta muốn đệm hoặc phối khí thì tự chúng ta có thể sắp xếp lại hòa âm, phối khí theo trình độ của ta, khiến cho một ca khúc có thể có rất nhiều hòa thanh khác nhau. Tuy nhiên, ở nước ngoài, khi một ca khúc được viết ra, ta chỉ có thể chơi được hòa thanh, giai điệu chính gốc của bài hát, còn nếu đặt hòa âm khác thì sẽ khó có thể nghe ra ca khúc đó. Bởi chúng ta không thể phá vỡ mối liên kết chặt chẽ, không thể tách rời giữa Melody (Giai điệu), harmony (hòa thanh), và rhythm (nhịp điệu).
Sau một thời gian tập luyện theo phương pháp trên, tích lũy kiến thức và kĩ năng về đệm hát, chúng ta hoàn toàn có thể sáng tác một bài hát có phần đệm hoặc đặt hòa thanh cho một ca khúc chưa có phần đệm.
Cho dù là chơi đàn đệm cho những ca khúc thiếu nhi hay bất kỳ thể loại nào thì theo thầy Thuấn, việc chuẩn bị và tập luyện những kiến thức trên đều có ý nghĩa rất lớn, đó là nền tảng không thể thiếu giúp chúng ta có thể tự tin chơi những bản nhạc mà mình yêu thích. Bên cạnh đó, yếu tố về mặt tinh thần, ý chí học hỏi và tập luyện cũng là điều vô cùng quan trọng, hãy luôn giữ niềm đam mê, yêu thích với âm nhạc, nhạc cụ với những ca khúc và kiên trì luyện tập từ những điều nhỏ nhất, chúng ta chắc chắn sẽ được thỏa mãn trong thế giới âm nhạc đầy màu sắc của mình.
Ngọc Thuấn
Tin khác